Viêm gan C là căn bệnh dễ dàng biến chứng thành xơ gan, ung thư gan,... thậm chí là tử vong nhưng hiện nay, căn bệnh này vẫn chữa được nhiều người quan tâm.
Vì chữa bệnh mà phải bán nhà
Ông L.T.P (55 tuổi, ở Hải Dương) được chuyển xuống BV Bạch Mai với kết luận của các bác sĩ địa phương là “viêm gan nặng”. Sau khi được làm các xét nghiệm, ông P mới biết mình bị viêm gan siêu vi C mạn tính. Ông phải bán đất, bán nhà để điều trị nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Bà N.T.T (vợ ông P) nghẹn ngào nói: “Tôi có nghe người ta nói
viêm gan siêu vi C, nhưng hầu như chẳng ai quan tâm, bị phát bệnh rồi mới biết nó nguy hiểm đến như vậy”.
Trường hợp của ông L.T.P còn may mắn hơn trường hợp của chị P.T.M (45 tuổi ở Nam Định). Tháng 7/2012, chị nôn ra máu vì xuất huyết dạ dày. Đi khám mới hay chị bị ung thư gan, nguyên nhân từ viêm gan C (VGC). Triệu chứng xuất huyết dạ dày chỉ là di căn mà bệnh ung thư gây ra. Sau 4 tháng điều trị không tiến triển, các bác sĩ đã “trả” chị về nhà.
Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, VGC có đường lây nhiễm giống như HIV. Con đường thứ nhất là tiêm chích ma túy, đường truyền máu và các chế phẩm máu, chạy thận nhân tạo chu kỳ, xăm mắt, xăm môi, cạo râu. Và việc làm đẹp như xăm và cạo râu nếu các dụng cụ không được vô trùng, lại có virus thì rất dễ nhiễm VGC. Đây là con đường mọi người thường chủ quan nhất.
Đường thứ hai có thể lây nhiễm VGC là lây từ mẹ sang con, nhưng tỉ lệ thấp, trừ những phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV và tải lượng virus cao. Đường thứ ba là lây qua đường tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới và nhiều bạn tình. VGC không lây qua ăn uống và tiếp xúc thông thường.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cũng cho biết, VGC khác nhiễm viêm gan B. Nếu như nhiễm viêm gan B ở người lớn sau 15 tuổi thì 90% tự mất virus, 10% chuyển sang mạn tính thì nhiễm viêm gan C có tới 70% - 80% chuyển sang mạn tính.
70% số người nhiễm là nam giới
Theo BS Cao Thị Thanh Thủy, nguyên bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TƯ, khi mắc VGC mãn tính bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. 20% người nhiễm là phụ nữ, thanh niên, khỏe mạnh và không có bệnh kèm theo. 70% người nhiễm là nam giới, người lớn tuổi, có tiền sử nhiều bệnh, hút thuốc, uống rượu.
“Hiện chưa có vaccine phòng VGC mà chỉ khi phát hiện sẽ điều trị bằng thuốc. Giá thành điều trị của một liệu trình trong 48 tuần lên tới 180 triệu đồng mỗi bệnh nhân. Chỉ với xét nghiệm chẩn đoán VGC như xét nghiệm tải lượng virus là 1,8 triệu đồng. Từ khi nhiễm bệnh, mỗi đợt xét nghiệm đều không dưới 5 triệu đồng. Nhưng nếu không điều trị kịp thời, sẽ phá hủy gan và dẫn tới ung thư gan”, BS Thanh Thủy cho biết.
BS Khuất Thị Hải Oanh, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết, giá thuốc điều trị VGC hiện rất đắt và là trở ngại lớn trong điều trị cho bệnh nhân. Giá điều trị mỗi bệnh nhân tại Việt Nam hiện lên tới 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) một năm. Với chi phí quá cao như vậy, người bệnh thường bỏ điều trị.
“Nhiều người quan niệm VGC ít nguy hiểm hơn viêm gan virus B nên chủ quan trong phòng ngừa và điều trị, dẫn đến chuyển qua xơ gan, ung thư gan, thậm chí tử vong. Đây là một bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện kịp thời thì vẫn điều trị khỏi”, BS Ngọc cảnh báo.
Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế đến nay đã có 2 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm này, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm gần 4%. Nguy hiểm hơn khi có 85% trường hợp nhiễm VGC sẽ diễn tiến thành viêm gan siêu vi C mạn tính trong khoảng 10 đến 20 năm.
(Theo Hoài Nam/Giadinh.net)